TỈNH LONG AN Thứ Bảy, 04/05/2024 Thông báo Cài đặt Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Long an trên cửa hàng ứng dụng CHPlay hoặc App Store với từ khóa tìm kiếm "Công an Long An".

Chuyên mục hỏi đáp

Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ ngày 01/7/2024

07:31 17/04/2024

Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, có 07 Chương và 46 Điều. Để hiểu rõ hơn tính ưu việt của Luật Căn cước, phóng viên có cuộc phỏng vấn Thượng tá Nguyễn Chảnh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Long An.

Phóng viên: Kính thưa đồng chí, Luật Căn cước được thông qua, không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số, xin đồng chí cho biết những điểm mới của Luật Căn cước là gì?

Thượng tá Nguyễn Chảnh: Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, có 10 điểm mới như sau:

Chính thức đổi tên Căn cước công dân sang thẻ Căn cước;

(2) Khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 01/01/2025;

(3) Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin trong thẻ Căn cước;

(4) Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước;

(5) Bổ sung giấy tờ: Giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam;

(6) Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ 01/7/2024;

(7) Từ ngày 01/7/2024, công dân sẽ có Căn cước điện tử;

(8) Bỏ quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ Căn cước;

(9) Thủ tục cấp thẻ Căn cước: Phải lấy sinh trắc học mống mắt đối với các trường hợp công dân trên 06 tuổi;

(10) Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Phóng viên: Thưa đồng chí, vì sao quy định đổi tên từ thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước?

Thượng tá Nguyễn Chảnh: Việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước là để phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhân dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới hiện nay (Idencity Card - Thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân).

Bên cạnh đó, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.

Việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân vì tại Điều 46 dự thảo Luật về điều khoản chuyển tiếp cũng đã quy định: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; thẻ Căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ Căn cước được quy định tại Luật này.

Như vậy, việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội.

Phóng viên: Luật Căn cước có điểm gì mới nổi bật so với Luật Căn cước công dân năm 2014, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Chảnh: So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước năm 2023 bổ sung độ tuổi cấp Căn cước đối với người dưới 14 tuổi, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là không bắt buộc và thực hiện theo nhu cầu của người dân.

Phóng viên: Xin đồng chí chi biết thêm vì sao bổ sung độ tuổi cấp Căn cước đối với người dưới 14 tuổi?

Thượng tá Nguyễn Chảnh: Việc bổ sung quy định này là bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 05 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước. 

Việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan; đồng thời, tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Phóng viên: Nhiều người dân thắc mắc rằng, thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi thì có thể thay thế cho Giấy khai sinh không, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Chảnh: Thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho người dân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc sử dụng giấy khai sinh với kích thước của tờ A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời; giấy này dễ bị làm giả và chứa được rất ít thông tin của người dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho người dân.

Trong khi đó, thẻ căn cước với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh (như không cần phải mang theo thẻ Bảo hiểm y tế, Sổ tiêm chủng…) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày nên hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện quy định này là rất lớn./.

Thúy Phượng

TIN TỨC KHÁC

WEBSITE LIÊN KẾT
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Hôm nay 1007
  • Tháng 5 2486
  • Năm 2024 194501